Ngày lại ngày, bên cạnh nhịp sống gấp gáp của cơ chế thị trường, đó đây vẫn vang lên nhiều khúc hát ca ngợi việc làm thiện nguyện. Có những việc làm từ thiện xuât phát từ trong tim, mong muốn cho nhiều người vơi bớt nỗi khổ, khó khăn trong cuộc sống. Để rồi một ngày, những việc làm ấy được viết lên thành sách, được cất lên thành lời ca.
Trên tay tôi là cuốn “Trái tim hát lời yêu thương” – tập ca khúc nhiều tác giả của Câu lạc bộ sáng tác ca khúc thủ đô, do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành. 28 bài hát trong đó, mỗi bản nhạc là một khúc ca thiện nguyện, xúc động, lắng đọng tình người của 2 vợ chồng doanh nhân Hòa – Hương. Ca khúc “Bát cháo tình thương” của nhạc sĩ La Thăng là một bài ca ấm áp tình người như thế.
Bài hát được viết ở giọng La trưởng, khúc thức A-A’. Mở đầu bài hát, người nghe được thưởng thức hai câu nhạc “vocal” với âm điệu lên xuống dặt dìu. Đầu câu, tiết tấu là các nốt đen, xen lẫn với các dấu chấm dôi, nhưng đặc biệt cuối hai câu vocal ấy là một loạt hình nốt trắng chấm dôi, thể hiện sự ngập ngừng, như bước chân ai nán lại, để rồi mở ra câu hát đầu tiên “Chiều Ngọc Hà, nghe tiếng hát vọng xa, như thầm nhớ ai…”. Bước chân ngập ngừng ấy là người nghe dùng dằng không nỡ bước, bởi vừa chợt nghe một giọng hát của ai đó, bắt gặp hình ảnh một nhà hảo tâm đang quấy cháo bên hồ với “tâm thái hiền hòa”. Câu hát ấy được viết trên nền nhạc nốt đen xen lẫn nốt trắng, trắng chấm dôi, tạo vẻ dặt dìu hơn, ngập ngừng trong bước chân ai. Và đây: “Lòng nhân ái ngợi ca trong ánh mắt, trong bát cháo thơm ngon ấm lòng người chờ mong”. Nốt đố trắng chấm dôi có dấu hoàn trả lại độ cao tự nhiên, tạo bán cung “xi-đô” đặc biệt trong giọng La trưởng, ứng với ca từ “nhân ái” đã ghi đậm dấu ấn “thương người như thể thương thân” của nhóm thiện nguyện. Đoạn A kết thúc bằng 2 hình nốt trắng chấm dôi nối liền nhau ứng với nốt mí (là bậc 5 của thang âm La trưởng) tạo nên sự chơi vơi, mong mỏi của người nghe. Chờ mong điều gì vậy? Câu hát đưa người nghe đến đoạn A’ của bài. Hóa ra điều mong mỏi ấy là của các bệnh nhân viện K “tuần lại tuần mong tiếng hát Hòa Hương”. Bài hát đưa ta đến một sự kiện suốt 4 năm nay: đều đặn thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, nhóm Hướng Thiện cùng công ty Hòa Hương đi phát cháo cho bệnh nhân nghèo tại viện K. Người bệnh không chỉ mong bát cháo ấm lòng “một miếng khi đói”, mà còn mong tấm lòng của anh chị cùng nhóm thiện nguyện đến với họ, động viên họ, vơi đi những phiền muộn của nghèo khó, bớt những đớn đau của bệnh tật. Vẫn những nét nhạc quen thuộc lặp lại của đoạn A, nhưng câu 2 có thêm dấu luyến (ứng với ca từ “trái” trong “trái tim”). Dấu luyến này khiến người nghe như chạm vào tận sâu thẳm trái tim mình, khơi dậy lòng nhân ái bao la của con người hướng thiện. Nét nhạc lấy lại gần như nguyên vẹn của câu A, ca từ càng khiến người nghe xúc động “Hòa những trái tim thương giúp người nghèo đang thiếu thốn, bệnh tình đang đau đớn, mong bát cháo yêu thương ấm nồng tình quê hương…”. Với cách lặp lại hoàn toàn tiết tấu của câu 2 đoạn A cho câu 1 đoạn A’. Nốt đố trắng chấm dôi có dấu hoàn trả lại độ cao tự nhiên, tạo bán cung “xi-đô” được lặp lại lần nữa khiến câu nhạc như lắng xuống, càng khắc sâu thêm sự thiếu thốn của những bệnh nhân nghèo.
Câu kết vẫn là nét nhạc chủ đạo ấy, có biến đổi đôi chút về độ cao để về chủ âm la, với ca từ thật ý nghĩa “yêu biết mấy những chàng trai cô gái, biết sống thương người nên được người thương”.
Nhạc sĩ La Thăng là người làng Ngọc Hà, ở đó không chỉ nổi tiếng bởi muôn sắc hoa xuân, mà nơi đây còn có những con người nhân ái. Đặc biệt vợ chồng anh chị Hương – Hòa là chủ nhà hàng Lẩu cháo Hòa Hương (số 6 Thụy Khuê). Nhạc sĩ kể lại: Chiều nào đi thể dục cũng thấy anh chị Hòa Hương quấy cháo bên hồ Đầm Tròn. Qua câu chuyện chia sẻ, nhạc sĩ mới biết đã 4 năm nay, đều đặn thứ 3 và thứ 7 hàng tuần anh chị đều nấu cháo đem đến phát miễn phí cho bệnh nhân ở viện K. Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp và ghi nhận một tấm lòng thiện nguyện, ông đã nói với doanh nhân Đỗ Minh Hòa rằng: “Bác thấy các cháu làm được thế này là rất quý. Bác già rồi, không đủ sức khỏe để đi chia cháo cùng. Bác viết tặng các cháu bài hát này, coi như đó là tấm lòng của bác trước hành động thiện nguyện của các cháu”. Ông chia sẻ thêm với chúng tôi: “Bạn có để ý thấy đoạn A’ tôi có câu “Tuần lại tuần mong tiếng hát Hòa Hương” không. Đó là muốn nói thay lời của những bệnh nhân hàng tuần mong bát cháo nóng hổi làm ấm lòng họ, giúp họ quên đi những đớn đau. Còn câu kết “Yêu biết mấy chàng trai cô gái, biết sống thương người nên được người thương” là tôi viết tặng chung cho nhóm Hướng Thiện đã cùng anh chị Hòa Hương đi phát cháo tặng bệnh nhân hàng tuần…”
Được biết gia đình anh chị Hòa Hương cả 3 thế hệ đều làm thiện nguyện: Bố anh – ông Đỗ Sáng Luyện nhiều năm nay tình nguyện vớt rác trên hồ Hữu Tiệp, giúp cho hồ được trong xanh, giữ gìn di tích lịch sử, làm vui lòng du khách khi đến thăm quan xác máy bay rơi tại làng hoa Ngọc Hà. Hai con anh chị – cháu Minh Quân, Minh Anh – đều làm từ thiện bằng cách đập lợn tiết kiệm để mua tặng bạn nghèo sách vở, ủng hộ vùng lũ lụt, cùng đi chia cháo với bố mẹ hàng tuần. Anh chị không chỉ phát cháo miễn phí, mà còn đầu tư hệ thống lọc nước uống tinh khiết miễn phí giúp bệnh nhân không phải đi mua nước uống hàng ngày. Ngoài ra, chương trình tặng trẻ em nghèo bị nhiễm HIV tại Ba Vì, tặng quà bệnh nhân phong tại Bắc Ninh… cũng được anh chị thường xuyên thực hiện. Không chỉ có nhạc sĩ La Thăng, mà còn nhiều nhạc sĩ khác viết ca khúc ca ngợi tấm lòng thiện nguyện của gia đình.
Ca khúc “Bát cháo tình thương” được nhạc sĩ La Thăng sáng tác năm 2014. Ngay sau đó, bài hát được trình làng trong Lễ ra mắt “Tạp chí Người khuyết tật” năm 2014 do ca sĩ Trang Nhung hát cùng nhạc sĩ Việt Cường. Sau đó Nhạc sĩ Việt Cường phối khí cùng sự thể hiện của giọng hát ca sĩ Minh Quang. (Sau này được thu âm và phát hành, in trong đĩa “Trái tim hát lời yêu thương” cùng với 28 bài khác của nhiều nhạc sĩ sáng tác và do nhiều ca sĩ thể hiện).
Nhiều năm nay, bài hát “Bát cháo tình thương” của La Thăng cùng với “Dòng nước nghĩa tình” – Hoàng Bình; Nối vòng tay nhân ái – Đoãn Vỹ; Chung một mái nhà tình thương– Nguyễn Xích Long; Nghĩa tình thơm thảo – Ái Thi; Hòa trong hương sắc Hồ Tây – Ngọc Khuê… như những lời tri ân ca ngợi tấm lòng thơm thảo của những con người làm việc thiện. Bát cháo tình thương làm ấm lòng người bệnh những ngày đông giá rét, dòng nước mát làm mát dạ người bệnh lúc nắng hè. Và còn mãi, là tình người, là sự sẻ chia.
Nguồn: báo Dân Trí – Nguyễn Thị Diệp