Trước, tôi cứ nghĩ rằng, con người ta làm bất cứ việc gì cũng đều vì một mục đích nào đó. Người vì tiền bạc, người vì danh lợi, người vì cần lấy một cái tiếng, chứ ít ai có thể vô tư hoàn toàn, “giúp người chỉ để nhận niềm vui”, cho đến khi tôi tận mắt chứng kiến một cụ ông ở tuổi 80, tóc bạc phơ, hằng ngày cầm vợt đi vớt rác trên hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ông làm việc ấy đã hơn 20 năm nay, đều đặn không thiếu ngày nào. Trò chuyện với ông, thì mới thấy rằng, niềm vui mà ông nhận được từ công việc “vác tù và hàng tổng” của mình đã lây lan, thấm đẫm sang con trai và cháu nội của ông. Con cháu của ông cũng đều đang làm những việc thiện nguyện, được cả xã hội ghi nhận, xuất phát từ nhu cầu được “nhận lấy niềm vui”!
20 năm vớt rác
Cụ ông mà tôi gặp ở hồ Hữu Tiệp tên là Đỗ Sáng Luyện, cựu thanh niên xung phong phường Ngọc Hà. Chỉ với chiếc vợt dài 3m có lưới, ông thong thả làm công việc một cách cần mẫn, tỉ mẩn vớt từng chiếc túi nilon, từng cọng rác mà ai đó vô tình ném xuống.
Hai mươi năm nay, người dân sống quanh khu vực hồ Hữu Tiệp và hồ Dài đã quá quen với hình ảnh ông Luyện vớt rác. Ông làm công việc ấy không công, chỉ với mục đích giữ gìn vệ sinh môi trường và giáo dục người dân sống trên địa bàn cần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường như mình.
Cháu Quân đội phát cháo. |
Năm 18 tuổi, ông Luyện tham gia thanh niên xung phong. Nhiệm vụ của ông là cùng đồng đội sửa chữa những con đường bị bom đạn của giặc cày xới, nối liền những tuyến giao thông huyết mạch phục vụ cho tiền tuyến.
Năm 1972, khi bầu trời Hà Nội vang lên những tiếng gầm rú của máy bay địch, ông Luyện đã chứng kiến cảnh máy bay B52 của địch bị bộ đội ta bắn trúng, một bộ phận trong máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, cháy sáng rực. Đó là một kỉ niệm hào hùng, ông và những người con làng Ngọc Hà không bao giờ quên.
Sau này khi đã nghỉ hưu, ông luôn tâm niệm, phải làm gì đó để gìn giữ cho hồ luôn sạch đẹp, để hồ là nhân chứng mãi mãi cho một thời khắc lịch sử hào hùng. “Mọi người thấy tôi làm công việc này thì ủng hộ lắm. Nhất là các con, các cháu tôi. Bản thân tôi thì nghĩ, không khác gì đi tập thể dục. Vừa khoẻ người vừa vui mà lại luôn giữ cho hồ sạch đẹp” – ông Luyện nói.
Không chỉ vớt rác, hằng ngày, ông Luyện còn tham gia cùng tổ bảo vệ khu phố, điều khiển giao thông khu vực ngã tư chợ Hữu Tiệp. Việc làm của ông và tổ bảo vệ được bà con đánh giá cao vì cũng từ khi có những người tự nguyện phân làn giao thông, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành đúng quy định của pháp luật, nên đoạn ngã tư chợ Hữu Tiệp vào mỗi sáng không còn cảnh hỗn độn nữa, mà đi vào trật tự, quy củ.
Một việc thiện nguyện nữa mà ông Luyện dành cho cộng đồng, đó là hơn chục năm qua, ông tình nguyện làm công việc khâm liệm người chết, giúp gia đình họ trong lúc tang gia bối rối, thậm chí là công việc trông xe cho những gia đình có đám hiếu, hoàn toàn miễn phí.
Dòng chảy thiện nguyện tiếp nối
Con trai ông Đỗ Sáng Luyện là anh Đỗ Minh Hoà, một doanh nhân có nhiều đóng góp về công tác xã hội cho cộng đồng. Vợ chồng anh Hoà nổi tiếng với “nồi cháo tình thương” tại Bệnh viện K 2, ở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Ông Luyện với công việc vớt rác hàng ngày. |
Mỗi tuần hai lần vào thứ 3 và thứ 7, vợ chồng anh lại mang nồi cháo vào viện và phát miễn phí khoảng 200 suất cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nhìn những gương mặt người bệnh mong mỏi đến giờ nhận cháo, mới thấy hết được sự cần thiết hơn nữa của những nồi cháo tình thương, bởi có rất nhiều gia đình, vì chữa bệnh mà kiệt quệ kinh tế, với họ, một bát cháo nóng, một chai nước sạch, một vỉ sữa tươi cũng thật đáng quý.
Anh Đỗ Minh Hoà khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Thời cơ hàn, anh đạp xe khắp Hà Nội, bán từng cân chè, chiếc bánh dẻo. Trong hành trình mưu sinh của mình, anh gặp khá nhiều những cảnh đời còn vất vả, khó khăn hơn mình gấp bội.
Vì ít ra, anh còn có ngôi nhà để về, có bố có mẹ để an ủi tinh thần, còn nhiều người anh gặp, họ không có nhà, giữa đêm đông vẫn nằm còng queo ở mái hiên, mặc gió lùa lạnh buốt. Chăm chỉ làm việc, đến nay anh Hoà đã là chủ của chuỗi nhà hàng “lẩu cháo Hoà Hương”, cơ sở chính ở số 6 Thuỵ Khuê, hằng ngày tiếp rất nhiều bạn bè, những người yêu quý vợ chồng anh, trong đó có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, họ đến để gặp ông chủ quán “làm được bao nhiêu cho đời hết”, và nhiều nhạc sĩ thương quý viết tặng vợ chồng anh các bài hát, anh trân trọng gìn giữ như món quà quý để tặng lại bạn bè.
Không chỉ có chuỗi nhà hàng lẩu cháo, anh Hoà còn kinh doanh trong nghề vận tải, có công ty cho thuê xe với chữ “tín” luôn đặt lên hàng đầu, khiến khách hàng đến với công ty anh hoàn toàn yên tâm.
Chị Phạm Lan Hương – người vợ chung vai góp sức với anh Hoà từ thuở cơ hàn, cùng chồng xây dựng nên cơ nghiệp, rất tự hào khi nói về chồng mình. Chị kể rằng, cách đây 3 năm, vợ chồng chị vào viện chăm sóc bà nội, đã chứng kiến rất nhiều cảnh đời bất hạnh, họ kiệt quệ, đến miếng ăn cũng phải chắt bóp, chai nước cũng phải uống dè, nên vợ chồng chị rất thương cảm.
Đúng 3 ngày sau, tự tay chị đi chợ, mua gạo tám, thịt nạc, xương ống về nấu cháo. Chị bắc bếp từ 10h sáng thì đến chiều, nồi cháo thơm ngon đã có mặt ở Bệnh viện K2.
Những ngày đầu, nhìn cảnh người nhà bệnh nhân xếp hàng nhận cháo, chị Hương xúc động không kìm được những giọt nước mắt. Tính đến bây giờ, đã 3 năm trôi qua, “nồi cháo Hoà Hương” trở thành niềm mong mỏi, đón chờ của bệnh nhân nghèo mỗi buổi chiều thứ 3 và thứ 7.
Gia đình anh Đỗ Minh Hòa. |
Bên cạnh một người đàn ông thành công, chắc chắn là bóng dáng của một người phụ nữ tần tảo, cùng chung chí hướng. Anh Hoà nói: “Tôi được bà xã ủng hộ tuyệt đối, từ lúc nghèo khó đến bây giờ gọi là có thể giúp đời, không nhiều nhưng chúng tôi thấy vui, đêm về ngủ ngon khi hình dung ra ánh mắt, nụ cười của nhiều người bệnh được chúng tôi phát cháo”.
Không chỉ có nồi cháo tình thương, vợ chồng anh Hoà còn tặng 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội máy lọc nước (mỗi cái trị giá 75 triệu đồng). Người nhà bệnh nhân chỉ cần mang chai ra nhận nước mà không cần đun sôi vì nước máy khi chảy qua hệ thống lọc đã thành nước sạch tinh khiết.
Ngoài ra, vợ chồng anh Đỗ Minh Hoà còn tham gia quyên góp, ủng hộ Trường Sa, quỹ Tấm lòng vàng, xây nhà tình nghĩa. Năm 2011, anh Hoà bỏ tiền ra cải tạo hồ chứa rác thải trên địa bàn Thuỵ Khuê, biến thành hồ câu cá, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động từng có thời gian lầm lỡ, được Tổng cục 8 Bộ Công an đánh giá rất cao trong công tác giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng.
Ở trước nhà hàng số 6 Thuỵ Khuê, anh Hoà cho đặt thùng trà đá gần trăm lít miễn phí, là điểm dừng chân của rất nhiều người lao động nghèo, giúp họ làm dịu cơn khát trong cái nắng oi nồng của mùa hè.
Phúc đức tại mẫu
Thế hệ thứ ba trong gia đình rất đáng trân trọng của ông Đỗ Sáng Luyện, chính là cháu nội của ông – cháu Đỗ Minh Quân – con trai của vợ chồng anh Đỗ Minh Hoà.
Năm nay mới hơn 10 tuổi, nhưng cậu bé Đỗ Minh Quân đã có “thâm niên” 7 năm đập lợn đất tiết kiệm để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Từ khi chưa theo chân bố mẹ đi phát cháo miễn phí tại bệnh viện thì cậu bé Quân đã được bố mẹ dạy dỗ phải biết yêu thương, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.
Anh Hoà cùng con trai phát cháo. |
Và thế là, có bao nhiêu tiền mừng tuổi, tiền ăn sáng tiết kiệm được, Quân dành hết nuôi lợn, để khi đọc báo, thấy trường hợp nào thương tâm, cậu bé lại giục mẹ đưa mình đến tận nơi.
Bình thường, cứ được 5 điểm 10, Quân lại được bố mẹ thưởng một món đồ chơi, nhưng từ lâu rồi, cậu bé tình nguyện không nhận đồ chơi nữa mà lấy tiền mua đồ chơi để nuôi lợn.
“Mỗi lần đập lợn đất mang đi giúp ai đó, cháu vui mừng lắm. Nhiều lúc cũng thương cháu vì nó không hào hứng những trò chơi của trẻ con mà chỉ chăm chú tìm kiếm những số phận bất hạnh, rồi đề đạt bố mẹ phải nhanh chóng đưa cháu đi đến tận nơi” – chị Hương chia sẻ.
Rất nhiều chương trình từ thiện mà bé Quân – một học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm được bố mẹ khuyến khích tham gia như ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai lũ lụt; ủng hộ xây cầu giúp các bạn học sinh vùng sâu, vùng xa đến trường; ủng hộ ngư dân bám biển…
“Tôi nhận thấy niềm vui thật sự trong mắt cháu nên chỉ khuyến khích động viên cháu có ý thức tiết kiệm, biết thương cảm với những người kém may mắn hơn mình và hướng cháu đến các hoạt động xã hội có ý nghĩa khác” – anh Hoà nói.
Truyền thống không ở đâu xa, nó chính là sự tiếp nối, tiếp nhận những điều tốt đẹp giữa các thế hệ. Hằng ngày, vợ chồng anh Hoà và hai con vẫn ăn cơm cùng gia đình người anh trai và bố mẹ trong căn nhà chưa xây tại phường Ngọc Hà. Dù bận rộn công việc nhưng các con, các cháu ông Đỗ Sáng Luyện vẫn dành thời gian ăn cơm tối cùng ông bà.
Đó là món quà vô giá mà không phải cặp vợ chồng già nào ở Hà Nội hiện nay cũng nhận được. Sự sum vầy, quây quần ấm áp bên mâm cơm tối để trao đổi yêu thương, để nhận những lời chỉ bảo ân cần từ người đi trước, để cho những người trẻ có trách nhiệm gìn giữ truyền thống, đạo lý tốt đẹp từ ông bà, bố mẹ, là điều rất đáng quý trong xã hội hiện đại, xô bồ như hiện nay.
Nguồn: Đinh Hiền – cstc.cand.com.vn