Vị tướng anh hùng của ngành Hậu cần Quân đội
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Tiến sĩ khoa học quân sự, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, mặc dù đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, với nhân dân, rời quân ngũ trở về đời thường, nhưng tấm gương về tinh thần dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo trong c
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Tiến sĩ khoa học quân sự, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, mặc dù đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, với nhân dân, rời quân ngũ trở về đời thường, nhưng tấm gương về tinh thần dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo trong chiến đấu và công tác của ông vẫn luôn tỏa sáng trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ nói chung và cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân đội nói riêng. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Hậu cần Quân đội (11/7/1950 – 11/7/2015), Tạp chí Hậu cần Quân đội xin giới thiệu cùng bạn đọc một số chiến công, thành tích tiêu biểu trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh sinh ngày 25/ 6/ 1946 tại làng Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Ngay từ khi còn nhỏ, phải chứng kiến cuộc chiến tranh ác liệt và tàn khốc của đế quốc Mỹ, cùng không khí sục sôi chống Mỹ của nhân dân cả nước; Phúc Thanh cũng như bao chàng thanh niên Việt Nam khác ôm mối thù sâu sắc với bọn đế quốc và bè lũ tay sai; mặc dù đang ngồi trên ghế nhà trường, ông chỉ mong muốn ngay lập tức được lên đường, ra mặt trận. Ngày 25/11/1964, sau nhiều lần ghi tên xung phong tình nguyện và qua nhiều vòng khám tuyển, ông đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ, vào Nam chiến đấu.
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh phát biểu tại Lễ trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ảnh: Đình Thảo. |
Với trí thông minh, nhanh nhẹn, ham học hỏi, ông tiến bộ nhanh chóng và sớm trở thành người cán bộ chỉ huy trẻ, nổi tiếng trên chiến trường. Năm 1967, khi còn là cán bộ chỉ huy đại đội, ông được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy trận đánh của bộ đội ta với một đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ. Ngày 9/10/1967, theo trinh sát thông báo, có khoảng một trung đội thám báo Mỹ (nhưng thực tế là gần một đại đội, quân số khoảng 200 tên), đang lùng sục để phát hiện lực lượng của ta, Đại đội của ông nhận lệnh bí mật tiếp cận, tiến công tiêu diệt quân địch. Ông nhắc anh em phải tiếp cận địch, để có thể đánh gần, chỉ có “ túm thắt lưng địch mà đánh”, thì mới hạn chế được ưu thế về hỏa lực phi pháo của địch, để có cơ hội giành chiến thắng và hạn chế thương vong cho ta. Ông chỉ huy đơn vị vừa bí mật hành quân tiếp cận, vừa thận trọng quan sát, lùng sục. Khoảng hơn 5 giờ chiều thì phát hiện địch; qua nhẩm đếm, đội hình địch phải có tới hơn 200 tên, tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn, so với quân số 50 tay súng của đơn vị. Một câu hỏi làm ông phân vân, có nên đánh? Nếu đánh thì làm sao để chắc thắng? Ông nhanh chóng hội ý chỉ huy, bàn bạc thống nhất, xác định phương án, xây dựng quyết tâm. Tất cả các cán bộ chỉ huy dưới quyền đều có quyết tâm cao và khát khao được giết giặc, lập công. Là người chỉ huy cao nhất, ông vô cùng phấn khởi khi thấy đồng chí, đồng đội của mình bừng bừng khí thế chiến đấu. Để tăng tinh thần tự tin cho anh em, ông phân tích: Mặc dù lực lượng địch đông gấp 3-4 lần, song chúng ta vẫn có cơ hội chiến thắng, bởi vì, quân địch tuy mạnh nhưng mới cơ động từ nơi khác đến, trú quân ngoài căn cứ, còn bỡ ngỡ, chưa quen với địa hình tác chiến, công sự sơ sài và có vẻ chủ quan, còn ít kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường này; nếu ta bí mật áp sát dùng hỏa lực và lựu đạn, thủ pháo bất ngờ tiến công thì địch sẽ không kịp trở tay, phi pháo của chúng cũng không phát huy được khi ta dùng cách đánh kiểu “ trộn trấu ” với địch. Trên cơ sở phân tích chặt chẽ, ông chia đội hình tiến công làm ba mũi. Mũi chủ yếu đánh từ phía bắc xuống đỉnh đồi; mũi thứ hai đánh từ hướng tây nam lên; mũi còn lại do ông trực tiếp chỉ huy, làm nhiệm vụ chi viện cho hai mũi kia, đồng thời đánh vu hồi từ phía nam lên; thời gian nổ súng là 18 giờ 30 phút. Hiệu lệnh tiến công là phát đạn B40, do đồng chí xạ thủ đi cùng chỉ huy đại đội bắn vào cụm địch gần nhất. Khi mọi công tác chuẩn bị đã xong, toàn bộ đội hình đơn vị đã vào vị trí chiến đấu. Giờ G đã điểm, để chắc ăn, ông chỉ thị cho hai xạ thủ B40 vận động, tiếp cận gần địch hơn. Khi nhận được tín hiệu báo cáo đã vào đúng cự ly, tầm bắn hiệu quả; tiếp cận địch và có đường ngắm cơ bản; ông hạ lệnh khai hỏa. Một ánh chớp lóe sáng, phát đạn lao trúng mục tiêu, tiếng nổ vang, cùng lúc là tiếng súng, tiếng lựu đạn của bộ đội ta từ các mũi, các hướng đồng loạt nổ rền. Để tiếp tục những đòn phủ đầu quân địch, ông lệnh cho hỏa lực đại liên, súng cối, ĐKZ bắn cấp tập vào đội hình địch co cụm. Quân Mỹ bị tiến công bất ngờ, không kịp trở tay, vô cùng hoảng loạn, la hét. Không cho địch có đủ thời gian để ổn định lực lượng, ông tiếp tục ra lệnh cho bộ đội xung phong, tiếp cận, bám thắt lưng địch mà đánh. Đang truy kích, phát hiện một tốp địch đang tìm cách dạt xuống hố bom để tránh đạn hỏa lực của ta, ông nhanh tay rút liền 2 quả thủ pháo ném liên tiếp; lập tức hố bom Mỹ lại trở thành mồ chôn lính Mỹ. Trận đánh đã diễn ra đúng phương án, quyết tâm tác chiến. Tuy pháo binh của địch cũng đã phản ứng khá nhanh và một số ổ đề kháng cũng đã kịp tổ chức bắn trả, nhưng do mưu trí, linh hoạt, dũng cảm, sử dụng cách đánh áp sát, nên địch không thực hiện được ý đồ phân tuyến; sức mạnh hỏa lực pháo binh địch lại trở thành vành đai lửa, uy hiếp tinh thần và tính mạng quân địch, khiến cho trận đánh càng thêm phần dữ dội. Sau hơn một giờ đồng hồ, đơn vị đã làm chủ trận địa. Tuy nhiên, để bảo toàn lực lượng, đề phòng địch dùng phi pháo, máy bay ném bom nhằm xóa sổ khu vực trận địa; ông ra lệnh cho bộ đội khẩn trương thu dọn chiến trường, giải quyết thương binh, tử sĩ; nhanh chóng rút khỏi trận địa. Ngay trong đêm hôm đó, trinh sát kỹ thuật của ta nắm được thông tin từ phía địch: có 98 tên lính thủy đánh bộ Mỹ tử trận, hàng chục tên khác bị thương. Địch thừa nhận đây là một trận chiến thảm bại của lính thủy đánh bộ Mỹ trong chiến dịch lùng sục “tìm diệt” ở vùng rừng núi phía bắc Thừa Thiên. Phía ta, đại đội của ông được cấp trên đánh giá là một trận đánh thu được thắng lợi giòn giã, trong tương quan lực lượng địch lớn hơn ta gấp nhiều lần. Ta chiến thắng là nhờ tinh thần quyết tâm đánh Mỹ, biết nắm thời cơ, tận dụng thời cơ và vận dụng cách đánh thông minh, linh hoạt, giữ bí mật, tạo sự bất ngờ; tinh thần chiến đấu của bộ đội anh dũng, quả cảm; chỉ huy nhạy bén, quyết đoán. Trong trận đánh này, cá nhân ông được đồng đội xác nhận: đã tiêu diệt tại chỗ 06 lính thủy đánh bộ Mỹ, đạt tiêu chuẩn “ Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2”, được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
* * *
Cuộc đời mỗi con người có ai biết được “chữ ngờ”, song hình như nó cũng có sự sắp đặt. Cuộc đời ông cũng vậy, ngay từ ngày đầu vào bộ đội, ông được phân vào tổ anh nuôi, mỗi khi hành quân ra trận, trên lưng luôn “xùm xụp” một chiếc nồi quân dụng. Phải chăng, đây cũng là màn dạo đầu, báo hiệu cho một bước ngoặt, một bước tiến trên con đường sự nghiệp của ông?
Năm 1993, đang đảm nhiệm chức Tư lệnh Quân đoàn 2, ông được Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ Quyền Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (TCHC). Hôm nhận nhiệm vụ, ông còn nhớ Bộ trưởng đã căn dặn một số vấn đề then chốt, vừa mang tính chiến lược, vừa rất cụ thể, giúp ông tự tin để bước vào một chặng đường mới trên hành trình binh nghiệp.
Ngày 12/5/1993, ông chính thức nhận nhiệm vụ tại cơ quan TCHC. Trong thời gian ngắn, vừa tranh thủ tiếp thu kinh nghiệm của các đồng chí trong lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục, vừa thông qua khảo sát, thâm nhập, tìm hiểu tình hình thực tế một số đơn vị của Tổng cục và toàn quân; ông đã rút được một số bài học kinh nghiệm và cơ bản nắm được những thuận lợi, khó khăn của công tác hậu cần, cũng như từng mảng công việc của ngành Hậu cần Quân đội. Trong thời gian ở cương vị là “Tư lệnh” ngành Hậu cần Quân đội, ông đã cùng tập thể Thường vụ Đảng ủy TCHC tham mưu với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng và triển khai, chỉ đạo, bảo đảm tốt hậu cần cho các nhiệm vụ của Quân đội, trong đó nổi bật là: Qui hoạch, đầu tư xây dựng một số công trình cần thiết ở CCHC chiến lược; tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần; đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần; coi trọng hiệu quả tăng gia sản xuất; phát động, thực hiện phong trào thi đua. “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” trong toàn quân từ 1995; tăng cường hội thi, hội thao và tích cực chỉ đạo biên soạn hệ thống tài liệu huấn luyện hậu cần ở các cấp…
Qua nhiều cương vị chỉ huy khác nhau, từ chỉ huy trung đoàn, sư đoàn, rồi trở thành Tư lệnh quân đoàn, “Tư lệnh” ngành Hậu cần Quân đội, trên mỗi cương vị ông đều thể hiện khả năng chỉ huy tài tình, thông minh, sáng tạo và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Với những cống hiến xứng đáng đó, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương cao quí và ngày 28/5/2010, ông vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tá BÙI KIM SƠN (Bộ Tham mưu-TCHC)